Thang máy tại các tòa nhà, khu chung cư cũng giống như tất cả các thiết bị khác như: Xe hơi, xe máy… mục đích chủ yếu là phục vụ tốt nhất cho con người. Việc giới hạn công trình nhà tái định cư (TĐC) sử dụng ngân sách Nhà nước dưới 5 tầng không cần thang máy hiện nay bộc lộ nhiều bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người sử dụng. Các nơi công cộng như cơ quan công quyền, phòng khám, phòng họp… nếu hơn một tầng cũng cần có phương tiện để đảm bảo sự thoải mái dễ dàng cho người dân lui tới ra vào nhất là người già yếu tàn tật. Thiết kế thang máy tất nhiên là mất thêm chi phí, mất diện tích mặt bằng cho mỗi tầng, chi phí lắp đặt thiết bị, vận hành, quản lý… nhưng không vì tiết kiệm mà làm mất đi quyền sinh hoạt của những đối tượng này.
Không theo kịp thực tiễn
Khu TĐC Trung Hòa Nhân Chính có vị trí đắc địa trung tâm ngay trên mặt đường Lê Văn Lương và Hoàng Đạo Thúy, nằm trong KĐT và khu dịch vụ tiện ích hiện đại khang trang bậc nhất của Hà Nội. Tuy nhiên mới chỉ sinh sống tại đây được vài năm, những cư dân này thực sự đã “ngấm đòn” cảnh thiếu tiện ích của hạ tầng trong các tòa nhà. Cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn nhất là ở căn hộ tầng cao, đặc biệt là người già, bệnh tật, phụ nữ có thai. Dù nhiều chủ hộ muốn chuyển từ tầng cao xuống tầng thấp hơn vì lý do gia đình có người già yếu, bệnh tật nhưng nhu cầu này không phải là việc dễ giải quyết và đây cũng là vấn đề gây bức xúc lớn của người dân. Một trong những nhu cầu cơ bản thiết yếu trong đời sống sinh hoạt bị hạn chế là phương tiện di chuyển từ tầng 1 đến tầng 5 hoàn toàn là cầu thang bộ mà không có thang máy.
Tại TP.HCM có thể kể đến sự tồn tại của các khu TĐC như: KĐT mới An Phú – An Khánh xây dựng 5 cụm chung cư TĐC, khu dân cư Him Lam Kênh Tẻ (Q.7) xây chung cư TĐC với 72 căn hộ, chung cư Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) chỉ có 2 lốc chung cư cao 11 tầng còn lại có đến 12 lốc thấp tầng. Cụm chung cư TĐC Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) với 45 lốc chung cư, tổng cộng 1.939 căn hộ, đã được đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng người ở còn rất thưa thớt, chỉ khoảng 200 hộ được bố trí đến ở. Tất cả đều chung chỉ tiêu cao 5 tầng không thang máy.
Đó chỉ là một số trong rất nhiều dự án TĐC trên cả nước được xây dựng theo quan điểm chung cư 5 tầng giảm thiểu chi phí, giá thành thấp sẽ là mô hình cho nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội nói chung. Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thì: Chung cư 5 tầng ra đời trong bối cảnh quy định nhà ở xã hội không quá 5 tầng, giá thành thấp. Từ xuất phát này, TP xây nhà tái định cư theo kiểu như vậy. Tuy nhiên, quy định đó nhanh chóng lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hiệp hội từng có nhiều đề xuất bãi bỏ quy định bất hợp lý trên. Nếu không khắc phục tình trạng cầu thang bộ và xây dựng đầy đủ các tiện ích, hệ thống giao thông kết nối như là một KĐT mới hoặc là TP vệ tinh, còn không mặc dù giá thành có rẻ vì được hỗ trợ cũng sẽ rất khó thu hút người dân đến ở.
Nhu cầu của xã hội hiện đại
Bất tiện của cầu thang bộ không hẳn chỉ xuất hiện trong nhà TĐC hay NƠXH mà cũng hiện diện trong các nhà (tư nhân) hình ống hiện nay. Đa số các nhà hình ống 3 – 6 tầng xây dựng trước đây và hiện nay không thiết kế thang máy. Các thành viên trong gia đình đến lúc sẽ già yếu, có lúc sẽ ốm đau, không nên để họ mãi ở tầng dưới hoặc một tầng cố định nào đó, làm giảm chất lượng cuộc sống của họ. Mặt khác, nhu cầu được sống trên cao trong xã hội hiện đại là có thật, vì càng sống trên cao thì càng yên tĩnh, bớt bụi bặm, và có nhiều không gian riêng hơn, nhưng vẫn không được cách ly với các hoạt động của xã hội. Vấn đề đặt ra đối với các khu TĐC không có thang máy là cần tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này, đạt hiệu quả cao và phù hợp với hoàn cảnh và đáp ứng được nhu cầu về cuộc sống hiện tại của người dân với chi phí hợp lý.
Nhiều giải pháp khắc phục
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phải tùy theo kết cấu của tòa nhà, có thể lắp đặt thang máy ngay tại ô cầu thang bộ nếu đủ rộng, hoặc phải bố trí ở đầu hồi tòa nhà, nếu có hành lang thông ra.
Công việc này giống như một người thợ may sẽ đo thực tế cho công trình, về tiến hành đo vẽ lại trên đồ họa và cắt may theo kích thước thực tế. Các chuyên viên thang máy sẽ khảo sát hiện trạng của chung cư hay nhà riêng, sau đó sẽ đề xuất một phương án hợp lý nhất, nhằm lắp đặt thang máy phù hợp về mặt kết cấu, kiến trúc và công năng sử dụng. Thông thường, sản phẩm thang máy được sản xuất theo các kích thước chuẩn, và để lắp đặt thuận tiện thì đơn vị tư vấn thiết kế hoặc xây dựng phải làm việc trước với các đơn vị cung cấp thang máy chọn lựa thang phù hợp với tòa nhà.
Với các tòa nhà không được bố trí sẵn diện tích cho thang máy, việc cải tạo để đưa thiết bị thang máy vào thường phức tạp hơn, nhà sản xuất phải đo đạc và đưa ra phương án tại từng công trình, từng khu vực và nhu cầu cụ thể.
Các giải pháp cụ thể
– Đưa thang máy vào khoảng không của ô cầu thang bộ hay lắp dựng một hố thang máy mới ngay đầu hồi của chung cư như đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.
– Tận dụng khoảng thông trời từ 10% – 15% diện tích sàn theo qui định của xây dựng, kết hợp với đơn vị thiết kế kết cấu công trình cho đục thông một diện tích nhỏ sàn hành lang để lắp đặt thang máy.
– Sử dụng nhiều loại thang máy khác nhau như: thang có phòng máy, không phòng máy, thang thủy lực, thang Homelift.
– Nhằm hạn chế đối tượng không được phép sử dụng thang máy, nên dùng thẻ từ tự động tính phí hoặc khóa cơ khí nút vận hành thang máy, nhằm chỉ phục vụ cho những người cần ưu tiên như: người già, người bệnh, người khuyết tật, người đầu tư bỏ tiền lắp thêm thang máy.